Những ngày lễ chính là nỗi “khiếp đảm” của các chàng trai công sở

Hí hửng tuyên bố thế, ai ngờ họ vỗ tay rào rào, rồi yêu cầu chúng tôi “chứng minh giới tính” của mình trước mặt toàn thể chị em. Họ bảo, nếu nhìn thấy anh em “chuẩn men”, họ sẽ miễn luôn vụ quà cáp. Định chơi xỏ các chị, ai ngờ bị các chị chơi xỏ lại, kiểu này chắc không trốn được rồi”.

Muôn kế né quà

Suốt cả tuần nay, cứ hễ thấy mặt Hùng (nhân viên truyền thông) là hội “hồ ly cơ quan” anh lại réo rắt: “Có nhớ sắp đến ngày gì không?”, “Năm nay có xin nghỉ ốm đúng dịp nữa không?”, “Năm nay còn ky bo thì chết với chị nhé!”… “Các bà nhắc suốt làm mình… ong cả thủ, nhưng hơi cau mày một tí là y như rằng bị nhiếc móc là không tôn trọng phụ nữ, coi thường một nửa thế giới, chưa kể đến chuyện các bà ấy sẽ làm khó làm dễ chuyện chuyển giấy tờ, duyệt tài liệu, chương trình. Để yên thân, tôi phải nhăn nhở cười, hứa hẹn năm nay em sẽ thay đổi, các chị cứ yên tâm cho yên chuyện” – Hùng than thở.

Vào công ty được 3 năm, Hùng đã trốn được vụ quà cáp ngày 8/3 và 20/10 tận 2 năm vì dày mặt tuyên bố: “Các chị em ở cơ quan không phải là mẹ, không phải là người yêu, chẳng phải họ hàng nên không cần mua quà. Mà mừng ngày phụ nữ có gì mà hay ho, đấy là ủng hộ bất bình đẳng giới tính”. Năm đầu, khi nghe anh chàng tuyên bố thẳng thừng thế, các nữ đồng nghiệp cứ tưởng đùa. Ai ngờ, nói mát nói mẻ chán chê, ngày 8/3 cũng thế mà 20/10 cũng vậy, các nàng chẳng nhận được gì từ Hùng ngoài lời chúc suông. Cũng vì chuyện này mà Hùng trở nên “nổi tiếng” khắp các phòng ban của công ty vì… ky bo. Đến năm thứ hai, rút kinh nghiệm năm trước, Hùng không tuyên bố gì nữa mà lẳng lặng… xin nghỉ ốm.

“Không lõm ví vì quà cáp nhưng sau đó tôi khốn khổ vì bị các chị em “đì”. Cả phòng sự kiện, ngoài sếp trưởng phòng thì còn mình tôi là trai, 14 chị em thi nhau sai đi giao nhận giấy tờ, công văn, bê vác đồ đạc… Thỉnh thoảng, mọi người hứng chí sai tôi đi mua đồ ăn vặt, khi thì bánh trái, lúc thì hoa quả linh tinh, thủ quỹ phòng hứa hẹn: cứ ghi sổ đấy, cuối tháng chị gửi lại tiền cho, nhưng đòi mấy lần, các chị lại bĩu môi chê ky bo, chán tôi chẳng đòi nữa!” – Hùng kể lể.


Không dám “kiên cường” như Hùng, Hoàng Anh (nhân viên thiết kế đồ họa của một công ty quảng cáo) đã thất bại khi định trốn quà của chị em. Nhân sự phòng của Hoàng Anh cũng thuộc dạng ‘âm thịnh dương suy’, nhưng Hoàng Anh còn có 4 nam đồng nghiệp nữa để chia sẻ nỗi đau quà cáp 20/10. Từ đầu tháng, thấy các chị em trong phòng nhấm nháy đòi quà và lập kế hoạch ăn chơi, các anh em trong phòng đã họp nhau tìm cách đối phó.

Cười chua chát, Hoàng Anh kể: “20/10 năm nay đúng thứ hai đầu tuần, có thách cũng không ông nào dám nghỉ làm. Từ giữa tuần, mấy anh em bàn nhau thách các chị “chứng minh giới tính”, vì bây giờ trai giả gái, gái giả trai nhiều lắm, sau khi xác minh họ là phụ nữ thật, chúng tôi sẽ tặng quà to, làm liên hoan hoành tráng để chúc mừng ngày của chị em. Hí hửng tuyên bố thế, ai ngờ họ vỗ tay rào rào, rồi yêu cầu chúng tôi “chứng minh giới tính” của mình trước mặt toàn thể chị em. Họ bảo, nếu nhìn thấy anh em “chuẩn men”, họ sẽ miễn luôn vụ quà cáp. Định chơi xỏ các chị, ai ngờ bị các chị chơi xỏ lại, kiểu này chắc không trốn được rồi”.

Tặng quà tinh thần, tổ chức liên hoan để được… ké

Xác định không thể trốn tặng quà chị em, mua hoa và quà thì vừa đắt vừa lích kích, nhiều trai công sở chọn cách tổ chức liên hoan đơn giản tại văn phòng. Như công ty của Hữu Lợi chẳng hạn, đã thành truyền thống, cứ đến những ngày lễ của chị em, cánh mày râu lại góp tiền tổ chức liên hoan. Các anh em thống nhất không đi liên hoan ngoài, vừa mất thời gian vừa tốn kém mà mua đồ ăn, đồ uống để liên hoan tại chỗ.

Lợi bật mí: “Bọn nam giới chúng tớ lấy cớ chiều chuộng chị em nên tự mua đồ từ A – Z, mua mấy món như bánh kem, khoai tây chiên, thịt xiên nướng và hoa quả các loại. Chị em sợ béo nên không ăn được mấy, vào bụng anh em là chính. Các chị em vui vẻ, các anh em no bụng mà lại được khen là có tinh thần, biết chiều lòng chị em, thế mới hay chứ!”

Quà tinh thần cũng là một phương án được nhiều anh em nghĩ tới cho ngày 20/10. Anh Việt Dũng (nhân viên ngân hàng) kể, cánh đàn ông cơ quan anh hiếm khi tổ chức tiệc tùng cho các chị em, hầu như chỉ tặng quà tinh thần là chính. “Đương nhiên, cũng phải à ơi các chị một tí, rằng phòng ta đi ăn tiệc nhé, đi hát karaoke nhé… Nhưng công việc căng thẳng, thời gian làm việc dài, mà hầu như ai cũng có gia đình riêng, phải lo cơm nước, đón con nữa, có phải toàn hội trẻ đâu mà gom nhau ăn chơi đập phá mấy tăng được. Các chị thấy anh em có lòng, quan tâm nhiệt tình thế, tự dưng lại thích, gợi ý làm đơn giản thôi” – Dũng tiết lộ “mánh lới” của đám nam giới cơ quan anh.

Thế nên, đã thành lệ, cứ có lễ lạt gì là anh em lại đến sớm hơn, trang trí phòng ốc, chờ khi chị em đến đông đủ thì hát vài bài, chúc vài câu là xong, ai lại vào việc nấy. Những vật trang trí cũng được các anh “tái sử dụng” trong vài năm, cứ dịp nào thì đem ra trang trí theo chủ đề, vừa tiết kiệm lại không cập rập trong khâu chuẩn bị. “Đương nhiên, trong những ngày kỷ niệm của chị em, anh em phải biết khôn khéo, nịnh nọt, chiều chuộng chị em một tí, chỉ cần lấy giúp họ cốc nước, khen mái tóc mới, đôi giày mới của họ, thế có khi còn “ăn điểm” hơn hoa với quà đắt tiền ấy chứ!” – Dũng kết luận.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *