Cách thành công của ông Obama muốn dạy cho bạn trẻ

“Tôi không bỏ lỡ những điều quan trọng. Tôi chưa từng vắng mặt tại một cuộc biểu diễn văn nghệ nào của con, chưa từng quên một cuộc họp phụ huynh nào. Nhưng có một điều mà tôi bỏ quên, đó chính là sự thỏa hiệp”.

Thế giới đã từng biết đến câu chuyện xuất thân của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cha của ông Obama đã rời bỏ gia đình từ khi ông mới lên 2. Sau đó, hai mẹ con ông di cư sang Indonesia sống trong 4 năm. Ở tuổi lên 10, ông Obama chuyển tới sống ở Hawaii cùng với ông bà của mình, họ cũng không lấy gì làm giàu có, và vẫn có lúc phải sống nhờ trợ cấp xã hội.

Con đường khởi đầu vào đời không thể nói là bằng phẳng đó cuối cùng đã đưa ông tới với trường luật Harvard, tới với người phụ nữ ưu tú và bản lĩnh, tới một gia đình hạnh phúc có hai cô con gái thông minh, đáng yêu, và điều khó ngờ nhất, là đưa ông tới với cương vị Tổng thống Mỹ cùng biết bao điều mới mẻ, chưa từng có tiền lệ trong chính trường Mỹ.

Nếu các bạn trẻ cần những câu chuyện khởi nghiệp, cần những nhân vật truyền cảm hứng, thì ông Obama chính là một ví dụ điển hình. Ông nắm giữ bí quyết nào của sự thành công mà có thể chúng ta còn chưa biết?

Luôn dành ưu tiên cho gia đình: Là một chính trị gia bận rộn, nhưng các thành viên trong gia đình ông Obama chưa bao giờ phải bỏ lỡ một bữa tiệc sinh nhật của bất cứ một thành viên nào. Nếu đúng vào ngày sinh nhật, ông Obama có việc bận không thể ở bên gia đình, họ sẽ tổ chức sớm lên.

Trong những cuộc vận động tranh cử cam go, tối nào ông Obama cũng gọi điện về nhà trước khi các con đi ngủ. Vợ chồng ông vẫn có những cuộc hẹn hò chỉ có hai người ngay cả khi cuộc hôn nhân của họ đã kéo dài hơn hai thập kỷ. Dù bận rộn với những cuộc họp bàn chính trị, ông Obama vẫn cùng vợ trò chuyện về từng chi tiết trong việc nuôi dạy con cái…

Ông Obama chia sẻ: “Tôi không bỏ lỡ những điều quan trọng. Tôi chưa từng vắng mặt tại một cuộc biểu diễn văn nghệ nào của con, chưa từng quên một cuộc họp phụ huynh nào. Nhưng có một điều mà tôi bỏ quên, đó chính là sự thỏa hiệp”.

Ông Obama không bao giờ thỏa hiệp với bất cứ điều gì có thể làm ảnh hưởng tới ưu tiên dành cho gia đình. Chẳng thế mà báo giới Mỹ gọi ông là “the family man” – “người đàn ông của gia đình”.

“Chất lượng có thể đánh bại số lượng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Có nhiều khoảnh khắc tuyệt vời của gia đình diễn ra rất ngẫu nhiên. Nếu bạn không dành đủ thời gian cho gia đình, bạn sẽ có ít khoảnh khắc kỳ diệu. Điều duy nhất tôi có thể làm cho con mình là tạo nên một đời sống gia đình bình thường” – ông Obama từng nói.

Học từ chính cha mẹ của mình: Câu chuyện xuất thân của ông Obama từng thu hút sự quan tâm của báo giới, khi đã ở vào cương vị của một chính trị gia nổi tiếng, bạn không thể hy vọng người ta sẽ không “cày xới” lại những chuyện thuộc về quá khứ cuộc đời bạn.

Ông Obama đã từng đứng trước những câu hỏi rất “khó nhằn”, chẳng hạn như: Liệu sự thiếu vắng một người cha trong cuộc đời có gây ảnh hưởng nào tới ngài Tổng thống? Và ông Obama đã cho thấy rằng dù quá khứ có những điều đẹp đẽ hay không, thì quá khứ vẫn luôn xứng đáng để chúng ta học hỏi:

“Tôi nghĩ rằng tất cả những vấn đề liên quan tới cha tôi đều đã được giải quyết ổn thỏa. Đó là một phần lý do giúp tôi viết nên cuốn ‘Dreams from My Father’ (Những giấc mơ của cha tôi): thấu hiểu ông ấy và những bi kịch cá nhân của ông ấy. Ông ấy không hiện diện trong đời sống của tôi, nhưng ông ấy là một ý niệm mà tôi đã từng phải vật lộn trong một thời gian dài.

“Ai đó từng nói mỗi người đàn ông đều cố gắng sống theo những kỳ vọng của cha mình hoặc sửa chữa những sai lầm của cha mình. Tôi chắc chắn rằng mình đã làm cả hai điều trên. Ở tuổi 20-30, tôi đã hiểu ra sự thiếu vắng của người cha có ý nghĩa như thế nào.

“Và điều đó giúp tôi trở thành một người cha tốt. Và cũng không nghi ngờ gì điều đó đóng góp vào động lực đời tôi. Tôi có thể đã không xuất hiện ở đây nếu sự thiếu vắng của cha không thúc đẩy tôi ngay từ những bước đầu đời”.


Tìm ra niềm đam mê đích thực: Niềm đam mê là điều người ta đã nói đến rất nhiều trong , và ở trường hợp ông Obama, niềm đam mê ấy toát lên trong từng bài phát biểu: “Hãy tìm ra điều gì khiến bạn quan tâm say mê, điều gì khiến bạn thấy quan trọng, bởi nếu không có gì là quan trọng đối với bạn, bạn sẽ không bao giờ có thể làm việc hết mình được”.

Luyện tập làm nên sự hoàn hảo: “Làm việc là một khái niệm đơn giản. Chẳng có gì đáng giá lại tự nhiên có sẵn. Vận động viên bóng rổ phải rèn luyện cơ bắp, nhà khoa học phải luyện rèn tư duy sắc bén.

“Bạn sẽ không thể là một người am hiểu nếu bạn không đọc nhiều, và thậm chí cần phải đọc những cuốn sách khó. Bạn cũng không thể là người giỏi toán nếu bạn không tìm cách giải những bài toán hóc búa, thay vì chỉ toàn loanh quanh những bài toán dễ” – ông Obama từng nói.

Không đề cao cái Tôi trong làm việc nhóm: “Hãy hiểu rằng bạn không thể đạt được thành công một mình, vì vậy, bạn phải đầu tư vào các mối quan hệ với những người giúp bạn học hỏi từ họ, thúc đẩy bạn, ủng hộ bạn…

“Hãy mở rộng vòng kết nối với những người giúp đưa lại cho bạn những ý tưởng, nâng bạn dậy khi bạn suy sụp. Và đương nhiên, bạn không thể chỉ nhận, bạn cũng cần cho đi. Vì vậy, hãy thể hiện sự nhiệt tình của mình với đối phương, rằng bạn muốn tham gia, rằng bạn rất quan tâm” – một lời khuyên của ông Obama về cách hợp tác.

Đừng chểnh mảng: “Tôi không cần biết bạn trẻ chê trường lớp của mình như thế nào. Ở ngôi trường nào cũng có giáo viên tốt, nếu bạn bước tới và nói với thầy cô của mình rằng: Em thực sự muốn tìm hiểu về vấn đề này, thầy cô có thể giúp em không?

“Điều gần như chắc chắn là thầy cô sẽ bị bạn cuốn hút ngay lập tức bởi ai cũng vậy, họ đều muốn cảm thấy mình đang làm tốt công việc của mình. Nhưng nếu bạn chỉ ngồi ở cuối lớp một cách uể oải và không ngừng than thở, chỉ trích, bạn sẽ có đủ thứ để cảm thấy tức giận, bất mãn, nhưng điều đó sẽ chẳng giúp bạn được nhiều đâu” – ông Obama từng khuyên các bạn trẻ.

Đừng quá để tâm tới cách người khác nghĩ về mình: “Khi bạn còn trẻ, điều rất tự nhiên là bạn sẽ rất quan tâm tới cách mọi người nghĩ về mình. Đó là bản năng của con người. Chẳng có gì sai. Nhưng ở một số thời điểm, khi đã thực sự trưởng thành, bạn cần phải vượt lên trên những gì người khác nghĩ về mình và sống theo những gì mà bạn đặt niềm tin vào đó”.

Ông Obama chia sẻ rằng khi có thời gian xem TV, ông chỉ xem những kênh thể thao và một vài bộ phim truyền hình yêu thích, ông không bao giờ xem các chương trình bình luận chính trị bởi không muốn bị nhiễu loạn thông tin và bị phân tâm khỏi những việc mình đang làm. Việc lọc thông tin là điều ông rất đề cao trong thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay.

Luyện tập thể thao: Mỗi ngày ông Obama đều dành ra 45 phút luyện tập thể hình. Đối với ông, luyện tập thể dục thể thao là cách để ông làm việc năng suất và hiệu quả. Ông còn thường xuyên tổ chức những trận đấu bóng rổ cùng với những cựu vận động viên nhà nghề.

“Bạn phải rèn luyện thể dục thể thao nếu không, ở một thời điểm nào đó, bạn sẽ bị suy sụp không tránh khỏi… Lý do chính khiến tôi chăm chỉ luyện tập chính là để dọn dẹp đầu óc, giảm căng thẳng và tập trung tư duy”, ông Obama từng chia sẻ.

Tầm quan trọng của thời gian riêng tư: Trong 24h mỗi ngày của ông Obama, có ba thời điểm được xem là đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa – luyện tập thể hình vào buổi sáng, ăn tối với gia đình, và buổi đêm khi mọi người đã ngủ. Mỗi thời điểm lại có một ý nghĩa riêng.

Thời gian tập luyện buổi sáng giúp ông có sức khỏe tốt, tinh thần sảng khoái; bữa tối bên gia đình giúp ông tạm quên đi công việc, gắn kết tình cảm với con cái; và buổi tối sau khi mọi người đã ngủ, ông trở về phòng làm việc để xem lại những công việc còn dở dang trong ngày và chuẩn bị sẵn tinh thần cho khối lượng công việc ngày hôm sau.

Đừng mất nhiều thời gian cho những quyết định không quan trọng: Ông Obama không bao giờ mất nhiều thời gian để đưa ra những quyết định về thời trang hoặc ăn uống. Ông cho biết mình thường mặc những trang phục giống nhau:

“Thường bạn sẽ chỉ thấy tôi mặc vest xanh hoặc vest xám. Tôi luôn cố hạn chế tối đa số lượng quyết định phải đưa ra. Đặc biệt tôi không mất thời gian cho những quyết định kiểu như mình sẽ ăn gì hay mặc gì, đơn giản bởi tôi có quá nhiều quyết định cần thực hiện”.

Theo ông Obama, việc phải đưa ra nhiều quyết định sẽ khiến bạn giảm dần sự minh mẫn cho những quyết định đến sau, trong khi mỗi chúng ta chỉ có một “khối năng lượng nhất định để đưa ra các quyết định”, vì vậy, đừng để bản thân mình mất nhiều thời gian vào những việc nhỏ.

Gây dựng quan hệ một cách có chủ ý: Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông bà Obama cho biết họ không dự định kết thêm bạn mới. Tuyên bố này có thể khiến nhiều người thấy lạ lùng nhưng trong giới quyền lực, điều này không có gì lạ, bởi đó là chiến thuật tiết kiệm thời gian mà những doanh nhân hàng đầu thế giới cũng thường xuyên nhấn mạnh.

Khi bạn muốn làm được những việc quan trọng, bạn phải cho mình nhiều khoảng trống thời gian, không thể lúc nào cũng bận rộn với những buổi tiệc… Đối với những mối quan hệ quan trọng, ông Obama luôn dành thời gian chăm sóc, còn đối với những mối quan hệ mới, khi không có còn thời gian để đầu tư, tốt hơn hết là không gia tăng những mối quan hệ “vô ích”.

“Có những thời điểm tôi căng thẳng với việc tìm ra khoảng trống thời gian dành cho hai cô con gái – hai người mà tôi luôn muốn dành thời gian ở bên, và tôi không còn thời gian để tham gia những giao tế xã hội ở Washington được nữa” – ông Obama từng chia sẻ.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *